29 tháng 5, 2020

9 thực hành SEO tốt nhất nên theo trong năm 2020

Có một sự thật nghiệt ngã, nếu bạn không đứng trong 10 kết quả đầu tiên của Google đối với từ khóa mục tiêu, website của bạn có thể coi là vô hình trên Google.

 
Theo HubSpot, 75% những người tìm kiếm không bao giờ đi quá trang kết quả tìm kiếm đầu tiên. Đây là lý do tại sao cần thiết phải xếp hạng trên trang đầu tiên của Google. 

 Có một vài chiến lược và kỹ thuật mà bạn cần theo dõi để xếp hạng cao hơn trên Google. Nhưng nếu bạn không làm đúng căn bản, cơ hội lọt vào trang đầu tiên trên Google là vô cùng nhỏ bé. Bằng việc theo các thực hành SEO tốt nhất, bạn sắp đặt nền tảng cho website để tăng sự hiện diện trong tìm kiếm. Một khi bạn đã đặt được nền tảng, bạn có thể tiến lên với các chiến lược nghiên cứu từ khóa và xây dựng liên kết cao cấp hơn. 

Bài viết này chia sẻ 9 thực hành SEO tốt nhất mà bạn cần theo đuổi để đạt được thứ hạng tìm kiếm cao hơn trong năm 2020.

  1.    Sắp đặt nội dung theo ý đồ tìm kiếm
  2.    Viết một thẻ tiêu đề và mô tả meta hấp dẫn
  3.    Tối ưu hóa hình ảnh
  4.    Tối ưu hóa tốc độ tải trang
  5.    Sử dụng liên kết nội bộ
  6.    Cải thiện trải nghiệm người dùng trên website
  7.    Đặt các từ khóa vào trong URL
  8.    Tập trung bắt thêm các backlink uy tín
  9.    Xuất bản nội dung dài

1. Sắp đặt nội dung theo ý đồ tìm kiếm

Ý đồ tìm kiếm hay ý đồ người dùng là mục đích phía sau mỗi truy vấn tìm kiếm. Việc hiểu và đáp ứng ý đồ tìm kiếm là ưu tiên hàng đầu của Google. Các trang xếp trang nhất Google đã vượt qua bài kiểm tra về ý đồ tìm kiếm của Google. 

Ví dụ, hãy xem kết quả tìm kiếm cho „làm bánh trà xanh”


 Các kết quả tìm kiếm hàng đầu là video, không phải các trang TMĐT. Google hiểu rằng người ta đưa ra tìm kiếm như vậy để học cách làm bánh, không phải để mua bánh. 
 
Mặt khác, các kết quả tìm kiếm đầu tiên cho “mua bánh trà xanh” là các trang TMĐT. Bởi vì trong trường hợp này, Google hiểu mọi người đang muốn mua hàng. Do đó kết quả tìm kiếm đầu tiên không chứa các liên kết đến các công thức làm bánh.

 
  Vì lý do này, nếu bạn muốn trang web xếp trang đầu tiên trên Google trong năm 2020, bạn cần hiểu khái niệm ý đồ tìm kiếm và tạo nội dung phù hợp với ý đồ của người dùng. 

 Có 4 loại ý đồ tìm kiếm phổ biến:

 
  1. Tìm thông tin: Ý đồ tìm kiếm thông tin là khi người dùng tìm kiếm một thông tin cụ thể. Đó có thể là một tìm kiếm đơn giản như “thời tiết hôm nay” cung cấp kết quả ngay liền hoặc phức tạp như “các chiến lược SEO tốt nhất” yêu cầu giải thích sâu hơn.
  2. Điều hướng: Trong trường hợp này, người ta tìm kiếm cụ thể một trang mạng hoặc ứng dụng cụ thể. Ví dụ như “đăng nhập facebook”, “gmail”, “zalo app”.
  3. Thương mại: Ý đồ tìm kiếm thương mại là khi người dùng tìm một sản phẩm cụ thể nhưng chưa ra quyết định cuối cùng. Ví dụ, tìm kiếm “phần mềm CRM tốt nhất” hoặc “quán ăn chay ngon tại Hà Đông”
  4. Giao dịch: Tại đây, ý đồ rõ ràng là mua. Người tìm kiếm đã ra quyết định mua một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Ví dụ, “bột mì hữu cơ nguyên cám”, “điện thoại Vsmart Active 5”

  Thực hành SEO tốt nhất là luôn luôn đặt ý đồ tìm kiếm vào tâm trí khi tạo nội dung cho trang web. Ví dụ nếu muốn thứ hạng cao cho từ khóa “phần mềm CRM tốt nhất”, cần hiểu rằng ý đồ tìm kiếm là thương mại, không phải giao dịch. Người ta chưa biết chọn phần mềm nào. Do đó sẽ vô ích nếu tối ưu trang đích bán phần mềm cho từ khóa như vậy. Google hiểu người dùng muốn tìm các lựa chọn. Họ tìm bài viết hoặc video liệt kê các phần mềm tốt nhất, không phải trang sản phẩm hay trang bán hàng.

 Tóm lại: Tạo nội dung phù hợp với ý đồ tìm kiếm của độc giả mục tiêu.

2. Viết một thẻ tiêu đề và mô tả meta hấp dẫn

Tiêu đề và mô tả meta là 2 trong số các thể meta quan trọng nhất trên trang web.

Thẻ tiêu đề

Thẻ tiêu đề là các tiêu đề có thể nhấp chuột xuất hiện trong kết quả tìm kiếm và cực kỳ quan trọng từ góc độ SEO. 

 Theo Google: 
“Các tiêu đề rất quan trọng để cho người dùng cái nhìn nhanh về nội dung sau kết quả và tại sao nó liên quan đến truy vấn của họ. Nó thường là phần thông tin chính để người dùng quyết định sẽ bấm vào kết quả nào. Vì thế cần sử dụng các tiêu đề chất lượng cao trên các trang web của bạn.”

 Các máy tìm kiếm như Google thường hiển thị 50-60 ký tự đầu tiên của một tiêu đề. Google sẽ hiển thị đầy đủ tiêu đề của trang nếu bạn giữ cho thẻ tiêu đề dưới 60 ký tự.

 Đây là một vài thực hành tốt cần lưu ý khi tạo thẻ tiêu đề:
  • Đặt vào các từ khóa mục tiêu
  • Viết tiêu đề phù hợp với ý đồ tìm kiếm
  • Tránh tạo thẻ tiêu đề trùng lặp
  • Tránh nhồi từ khóa
  • Thoát ý mà vẫn súc tích
 

Mô tả meta

  Mô tả meta là thẻ meta quan trọng thứ 2 trên trang. Một mô tả meta là tóm tắt ngắn gọn trang web, hiển thị dưới thẻ tiêu đề trên trang kết quả thứ hạng tìm kiếm.

 

  Mô tả meta không trực tiếp tác động đến thứ hạng tìm kiếm, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ nhấp chuột. 

 Google giải thích: 
 “Một mô tả meta nên thông báo chung chung và làm người dùng chú ý bằng tóm tắt ngắn gọn, phù hợp về nội dung của mộ trang cụ thể. Chúng giống như một điểm nhấn thuyết phục người dùng rằng đây chính xác là thứ mà họ đang tìm.” 

 Google thường gắt ngắn mô tả meta trong khoảng 155-160 ký tự, vì thế hãy đảm bảo bạn cung cấp tóm tắt nội dung một cách chính xác và giữ nó dưới 160 ký tự. 

 Đây là một vài thực hành tốt để theo khi viết mô tả meta:
  • Viết mô tả meta độc nhất cho từng trang
  • Sử dụng nội dung hướng đến hành động
  • Đặt vào các từ khóa mục tiêu
  • Phù hợp với ý đồ tìm kiếm
  • Cung cấp bản tóm tắt chính xác

3. Tối ưu hóa hình ảnh

Hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách ghé thăm website. Bạn có thể luôn dành nhiều thời gian lựa chọn đúng hình ảnh để nâng cao các trang tin tức, trang sản phẩm, và các trang quan trọng trên website. 

 Nhưng bạn có sử dụng thời gian tương ứng để tối ưu hóa hình ảnh trên website? Nếu được sử dụng đúng cách, các hình ảnh sẽ đóng góp vào SEO tổng thể và thúc đẩy lượng truy cập tự nhiên. 

Dưới đây là 4 việc bạn có thể để làm để tối ưu hóa hình ảnh.

Chọn định dạng tệp tốt nhất

Tốc độ tải trang là tín hiệu xếp hạng quan trọng, và các hình ảnh thường chiếm phần lớn nhất trong kích cỡ tổng thể của trang web. Do đó, bạn cần tối ưu hóa hình ảnh cho tốc độ tải nhanh nhằm cải thiện hiệu suất tổng thể của trang web. 

Bước đầu tiên trong việc tối ưu hóa hình ảnh là chọn định dạng tệp phù hợp. Hãy xem các định dạng JPEG, PNG và WebP. Định dạng được dùng phổ biến nhất trên web là JPEG và PNG. Hai định dạng này sử dụng kỹ thuật nén khác nhau, do đó kích cỡ tệp giữa chúng có thể rất khác biệt.

  Nhìn vào sự khác nhau về kích cỡ tệp, có thể nhận ra JPEG nhẹ hơn JPEG nhiều. Tuy nhiên sử dụng JPEG trong mọi trường hợp sẽ là sai lầm. Trong khi định dạng JPEG sẽ rất ổn đối với các loại ảnh, PNG lại có ưu thế đối với các loại hình chứa chữ, các tranh vẽ nét, như thấy trong minh họa dưới đây.

 
  WebP là một lựa chọn khác, Google có hướng dẫn tại đây

Trong đó đã chỉ ra rằng: “WebP là định dạng ảnh hiện đại cung cấp sự khả năng nén không mất dữ liệu và nén mất dữ liệu ưu việt cho ảnh trên web.

 
  • Ảnh không mất dữ liệu WebP có kích cỡ nhỏ hơn 26% so với ảnh PNGs.
  • Ảnh mất dữ liệu nhỏ hơn 25-30% so với ảnh JPEG với chỉ số chất lượng SSIM tương đương.

Hiểu thêm về cách sử dụng WebP trong hướng dẫn của Google.

Nén hình ảnh

Ảnh càng nặng, trang web sẽ tải càng chậm. Vì thế, bạn luôn cần nén ảnh lại cho nhẹ trước khi tải nên website. May mắn thay có nhiều công cụ miễn phí có thể giúp bạn nén ảnh.
  • TiniPNG: Sử dụng kỹ thuật nén không mất dữ liệu để giảm kích cỡ các tệp PNG và JPEG.
  • ImageOptim: Nếu sử dụng Mac, bạn có thể tải về và sử dụng công cụ miễn phí này cho tất cả nhu cầu nén ảnh. ImageOptim cũng được Google đề xuất. Hiện nay nó là công cụ tốt nhất để nén ảnh JPEGs, nhưng không tốt lắm với PNG. Để nén PNG tốt hơn bạn nên dùng TinyPNG.
  • ShortPixel: Nếu bạn dùng Wordpress, bạn có thể cài phần mở rộng này để nén ảnh. Gói miễn phí của ShortPixel cho phép bạn nén 100 hình ảnh mỗi tháng.
Cung cấp văn bản thay thế cho các hình ảnh Dù có những tiến bộ trong khả năng hiểu hình ảnh của Google, việc thêm văn bản thay thế (alt text) vào các hình ảnh vẫn là bước cần thiết. Việc thêm văn bản thay thế cho hình ảnh tăng khả năng đến được với web và giúp trình duyệt hiểu hơn về hình ảnh trên website của bạn. 

 Đây là điều Google nói về việc viết văn bản thay thế: “Khi lựa chọn văn bản thay thế, hãy tập trung vào việc tạo ra nội dung hữu ích, giàu thông tin sử dụng từ khóa hợp lý và phù hợp với văn cảnh nội dung của trang. Tránh nhồi nhét các từ khóa vào thuộc tính alt vì việc này dẫn đến trải nghiệm tiêu cực cho khách và có thể khiến trang web của bạn bị đánh giá là spam.” 

 Khi viết văn bản thay thế cho hình ảnh, hãy viết mô tả xúc tích và tránh nhồi nhét từ khóa.

Tải lười hình ảnh

Tải lười (tải chậm, hay lazy-load) là kỹ thuật nhằm trì hoãn việc tải các nguồn không cấp thiết như hình ảnh hay video trong thời gian tải trang. Thay vào đó hình ảnh và video chỉ được tải khi người dùng cần đến chúng. 

 Đây là cách Google giải thích mối liên quan giữa tải lười và hiệu suất trang web: “Khi chúng ta tải lười hình ảnh và video, chúng ta giảm thời gian tải trang ban đầu, kích cỡ trang ban đầu và sử dụng tài nguyên hệ thống, tất cả có tác động tích cực lên hiệu suất trang web.”


 Để tải lười hình ảnh và video trên Wordpress, bạn có thể sử dụng a3 Lazy Load.

4. Tối ưu hóa tốc độ tải trang

Nếu trang web cần quá nhiều thời gian để tải trang, bạn sẽ khiến nhiều khách hàng phiền long, và thứ hạng sẽ tụt giảm. 

 Có nhiều công cụ miễn phí giúp bạn kiểm tra tốc độ trang, gồm PageSpeed Insights của Google; bạn có thể tìm hiểu cách tăng điểm Google PageSpeed Insights tại đây

Công cụ được đề xuất cho nhiệm vụ này là GTMetrix. Công cụ miễn phí cung cấp hiểu biết sâu sắc về tốc độ trang web và đưa ra những đề xuất về các bước bạn có thể làm để cải thiện thời gian tải trang.

 Bạn cũng có thể dùng công cụ kiểm tra trang web của SEMrush để kiểm tra và sửa các vấn đề hiệu suất cho website. 

 Một trong những cách nhanh và dễ nhất để cải thiện tốc độ tải trang là nén ảnh (xem mục 3). 


 Ngoài việc nén ảnh, đây là những việc bạn có thể làm để giúp trang tải nhanh hơn:
  • Kích hoạt bộ nhớ đệm cho trình duyệt (browser caching)
  • Xóa các phần mở rộng (plugin) không cần thiết
  • Giảm thời gian phản hồi của máy chủ (server response time)
  • Giảm số lượt chuyển hướng (redirects)
  • Làm nhỏ các tệp CSS và JavaScript

5. Sử dụng liên kết nội bộ

 Các liên kết nội bộ rất quan trọng vì chúng thiết lập cây thông tin cho website và giúp Google hiểu sâu hơn về nội dung trang web. Các liên kết nội có thể tăng thứ hạng website nếu được dùng đúng. 

 Có một thực hành SEO tốt là thêm những đường liên kết nội bộ từ các trang xếp hạng hàng đầu đến các trang cần được tăng hạng. 

 Có thể sử dụng các công cụ quản trị website để nhận diện và sửa các lỗi liên kết nội trên website.

6. Cải thiện trải nghiệm người dùng trên website

Google luôn quan sát chặt chẽ các hành vi của người dùng trên website của bạn. Vì thế, trải nghiệm người dùng là một trong những yếu tố then chốt trong việc cải thiện thứ hạng tìm kiếm. 

 Tốc độ tải trang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm của khách ghé thăm website (như mục 4). 

 Đây là một vài mẹo nhỏ khác để tăng trải nghiệm tốt của người dùng khi họ ghé thăm website:
  • Sử dụng các tiêu đề phụ: Việc sử dụng các tiêu đề phụ (H1, H2, H3) phù hợp giúp Google hiểu nội dung của bạn tốt hơn và giúp người đọc dễ tiếp cận văn bản hơn.
  • Làm cho nội dung hấp dẫn thị giác: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố thị giác giúp mọi người hiểu nội dung hơn. Sử dụng những hình ảnh, phim và chụp màn hình phù hợp để minh họa cho các luận điểm.
  • Tránh dùng các cửa sổ thông báo quấy rầy: Pop-up không xấu theo góc độ SEO, nhưng chúng có thể làm phiền khách. Từ năm 2017, Google đã phạt các website sử dụng các cửa sổ thông báo quấy rầy. Vì thế hãy sử dụng pop-up một cách tiết kiệm. Nếu thực sự cần sử dụng chúng để tăng danh sách email, hãy sử dụng các cửa sổ bật lên có mục đích, hoặc hiển thị chúng đối với người dùng đã dành ít nhất 5 phút trên website.
  • Sử dụng khoảng trống: Khoảng trống là yếu tố nền tảng cho một thiết kế đẹp. Theo Crazy Egg, khoảng trống giữa các đoạn văn và ở các lề trái và phải tăng đọc hiểu lên 20%. Vì vậy hãy cân nhắc dùng khoảng trắng để làm nội dung dễ đọc hơn và bắt sự chú ý của người dùng.

7. Đặt các từ khóa vào trong URL

Cấu trúc URL thường là yếu tố bị bỏ qua trong SEO. Một cấu trúc URL tốt cho cả người dùng và máy tìm kiếm biết trang đích nói về cái gì. 

 Google giải thích: 
 “URL của một trang web cần đơn giản nhất có thể. Hãy cân nhắc tổ chức nội dung để URL được xây dựng một cách hợp lý và dễ hiểu nhất với con người (khi có thể, chọn từ ngữ hơn là các con số nhận dạng dài dòng).”

 Với ý nghĩ đó, dưới đây là cách bạn có thể tạo ra URL với cấu trúc tốt
  • Sử dụng URL ngắn: Một nghiên cứu bởi Backlinko tìm ra rằng các URL ngắn hiệu quả tốt hơn URL trên các cỗ máy tìm kiếm
  • Sử dụng URL giàu từ khóa: Luôn luôn đặt từ khóa mục tiêu vào URL để tăng cơ hội xếp hạng tìm kiếm cao hơn.
  • Bỏ các hư từ không cần thiết: Để URL sạch sẽ và ngắn gọn, hãy cân nhắc bỏ các từ đi kèm không cần thiết không ảnh hưởng đến ý nghĩa chung.

8. Tập trung bắt thêm các backlink uy tín

Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong thuật toán tìm kiếm và hệ thống xếp hạng của Google, Google vẫn coi backlink là một dấu hiệu xếp hạng then chốt. Google coi các backlink như các phiếu tín nhiệm. 

 Nếu trang web có số lượng backlink lớn, nó tăng cơ hội xếp hạng cao hơn trên các kết quả tìm kiếm. Vì thế, bạn cần chú trọng xây dựng backlinks cho website của mình. 

 Thực ra, không phải tất cả backlinks được tạo ra bình đẳng. Một số backlinks có thể tăng hạng mạnh mẽ đối với các truy vấn tìm kiếm cụ thể, trong khi có các loại liên kết độc lại làm hỏng thứ hạng của bạn. Vì thế, bạn cần ưu tiên các backlink có nguồn uy tín hơn các loại backlink khác. 

 Bạn cần tập trung tất cả nỗ lực vào việc xây dựng các backlink chất lượng có thể tăng cơ hội xếp hạng cao cho các từ khóa mục tiêu. Một trong những cách hiệu quả nhất để có được các liên kết uy tín là bắt chước các chiến lược xây dựng liên kết của đối thủ. 

 Có thể sử dụng công cụ Backlink Gap Tool của SEMrush để thống kê hồ sơ backlink của 5 đối thủ để lần ra các cơ hội xây dựng liên kết chưa khai thác.

9. Xuất bản nội dung dài

Đây là một sự thật, các nội dung dài xếp thứ hạng cao hơn trên Google. Nhiều nghiên cứu đã ủng hộ điều này. 

 Một nghiên cứu về các bài viết hiệu suất cao nhất đã chỉ ra rằng các bài viết dài (độ dài trên 3000 từ) nhận được 3x lượt truy cập, 4x lượt chia sẻ và 3,5x liên kết nhiều hơn các bài viết có độ dài trung bình (từ 901 đến 2000 từ).

 
Thực hành SEO tốt - độ dài bài viết tăng hiệu quả tìm kiếm SEO
  Nói một cách ngắn gọn, có sự tương quan mạnh mẽ giữa độ dài nội dung và hiệu quả tìm kiếm. 

 Vì lý do này, bạn cần nhắm tới việc xuất bản 1-2 bài viết dài, nghiên cứu chuyên sâu chứa thông tin hữu ích cho người dùng Google. Google muốn bạn tập trung vào nhu cầu của người dùng hơn việc làm SEO. Và đây là cách tốt nhất để giữ chân độc giả và chuyển đổi. 

Tuy nhiên chúng ta cũng biết SEO quan trọng. Khi đã tạo ra nội dung dài cho blog, chọn các từ khóa cân bằng giữa lượt tìm kiếm và độ khó của từ khóa. Các từ khóa đuôi dài thường có ít lượt tìm kiếm. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể giúp tiếp cận khách hàng mà bạn cần. Nếu lượt tìm kiếm quá thấp, nhắm đến các từ khóa đuôi trung bình với độ khó thấp đến trung bình.

Tổng kết

Các thực hành SEO tốt nhất kể trên là điểm xuất phát tuyệt vời để đạt được thứ hạng tìm kiếm cao hơn. Như đã nói, cuộc cạnh tranh dành trang đầu trên Google cực khắc nghiệt bất kể bạn hoạt động trong ngách nào. Khi đã thực hiện đầy đủ các cách làm trên, bạn có thể tăng tốc với các xu hướng SEO mới nhất và theo các kỹ thuật SEO khác để đứng đầu cuộc chơi. Chúc mọi người may mắn.

 - VietInbound lược dịch 29/05/2020 - 

 Original post and images credited: SEMrush      
 

9 tháng 5, 2016

Mạnh tay chi tiền quảng cáo thể hiện sự bất lực của doanh nghiệp



Quảng cáo ngày càng là ngành phát triển sôi động, muôn hình vạn trạng, mấy ông lớn Facebook, Google không những kiếm được bộn tiền từ khai thác thông tin người dùng trên thế giới, lại còn được hưởng lợi từ việc không phải đóng thuế cho các chính phủ. Và cuộc chiến dành được những vị trí quảng cáo lý tưởng trên các website của những ông này ngày càng khốc liệt hơn, tốn kém hơn. Còn nhiều doanh nghiệp thì dường như luôn cảm thấy chi tiền chưa đủ nhiều để có thể duy trì sự hiển diện trên những vị trí này.

Đó gọi là bất lực.

Bất lực khi tiềm năng, nội lực của doanh nghiệp không đủ hấp dẫn để thu hút những khách hàng mục tiêu, thuyết phục họ chi tiền để nuôi sống bộ máy, giữ chân họ, gợi cho họ luôn luôn nhớ đến mình, và còn khiến họ lan tỏa danh tiếng của doanh nghiệp đi xa.

Và khi đã chi tiền để mua sự nổi tiếng kiểu như vậy, phần chi phí đó không cách nào khác, hoặc là phải cộng vào giá thành sản phẩm/dịch vụ, bòn rút hầu bao của khách hàng, hoặc là phải thay thế bằng phúc lợi của nhân viên để giảm tổng chi phí chung, hay là đem chính chất lượng sản phẩm/dịch vụ đánh đổi?

Thế là chỉ có mấy ông làm quảng cáo là béo, còn nhân viên, người dùng và bản thân doanh nghiệp thì héo.

Quảng cáo có lẽ cũng giống như cafe. Chúng ta không nhất thiết phải uống cafe để giữ tỉnh táo, chỉ là uống nhiều thành nghiện, và thiếu nó một ngày ta thấy mệt mỏi phờ phạc tưởng như chỉ có cafe mới là thuốc tiên mang lại phong độ cho ta. Nhiều doanh nghiệp cũng vậy, tháng nào cũng bỏ tiền ra quảng cáo, cứ có cái gì cần cho nhiều khách hàng biết là phải nghĩ ngay đến quảng cáo. Cảm tưởng như dừng quảng cáo là doanh nghiệp gặp tai họa không bằng!

Tôi nghe thấy nhân viên kinh doanh của công ty quảng cáo A chia sẻ cho khách hàng "Chị có biết công ty B không, một đợt đăng bài PR ở bên em có hiệu quả rõ rệt, nhiều khách hàng mới, về sau dừng lại là lại ít khách hàng hẳn" (Viết bài PR mà phải mất tiền thì cũng là quảng cáo, nhỉ?) . Nghe qua có lẽ là ngon "Ồ, thế thật là tuyệt diệu, vậy thì mình phải làm tới thôi". Nhưng ngẫm kỹ, nó là rủi ro hơn là cơ hội.

Phải chi tiền để mua một chút sự nổi tiếng, đó là bất lực. Để lượng khách hàng mới bất ổn lên xuống phụ thuộc vào các chiến dịch quảng bá, dừng là đói, ấy là bất lực.

Tôi không phủ nhận hoàn toàn vai trò của quảng cáo. Nhưng nó chỉ là một giải pháp mang tầm chiến dịch, để làm "biển lặng dậy sóng" trong những trường hợp thật đặc biệt hay để mang tính thăm dò thị trường. Người ta vẫn nói "chiến lược kinh doanh", "chiến lược marketing", còn "chiến dịch quảng cáo" chứ tôi chưa nghe thấy "chiến lược" ghép với "quảng cáo" bao giờ.

Và nếu có quảng cáo phải luôn luôn tỉnh táo và tính toán rõ ràng thể hiện qua con số. Chi bao nhiêu tiền quảng cáo mang lại được bao nhiêu tiền, và bao nhiêu khách hàng mới, hay đáp ứng bao nhiêu % mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Hãy nắm và hiểu rõ những con số đó.

Vậy, không quảng cáo thì làm gì?

Tôi vẫn kiên định với câu "hữu xạ tự nhiên hương" của các cụ. Tôi cho rằng, thay vì tháng tháng đều đặn chi một khoản nhất định cho "top 3" (trong ngoặc kép) Google, hãy để tiền đó đầu tư cho sáng tạo, hãy bù vào tăng phúc lợi cho nhân viên, kích thích sự phát triển và sự tinh tế của họ, hãy làm sao để nhân viên không phải chê trách gì về sếp, về công ty, hãy tìm cách cải thiện trải nghiệm người dùng, làm cho khách hàng nói wow, để họ trở thành cái loa tự nguyện, và hãy đầu tư vào chiếc nam châm để hút giới báo chí sẵn lòng viết bài PR cho doanh nghiệp free.

Tháng tôi chỉ chi có vài ba triệu. Có nhiều công ty lắm tiền, họ sẵn sàng bỏ tiền tỉ quảng cáo mà mặt không biến sắc, thì làm sao?

Ơ, thì kệ họ, nhìn ngó nhìn nghiêng làm gì. Mình ít tiền, nguồn lực có hạn thì mình phải dùng trí tuệ, phải có mưu để xoay xở. Vài ba triệu ấy gì, trả thêm nhân viên 1 triệu, áp thêm chỉ tiêu công việc, hoặc tuyển đứa giỏi hơn về làm :))).

Ok, công ty tôi đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không có đủ sáng tạo, sản phẩm không thể nổi bật hơn, nhân viên không kiếm được ai hơn, blah blah, nên ...

Khổ, vậy nên mới gọi là bất lực! Hừ.

6 tháng 4, 2016

Content marketing xin đừng ...


1. Bỏ qua nền móng


Bất kể anh làm marketing hay truyền thông, content hay SEO, cấp chiến lược hay cấp chiến thuật, anh đều phải tự hỏi vì sao làm thế. Nếu thành công thì kết quả thu được là gì? Làm thế có giúp ích gì cho doanh thu, lợi nhuận tức thì hoặc về lâu dài?

Nền móng của làm nội dung và truyền thông là biết được anh đang nói với ai, họ đang cần biết thông tin gì, và điểm giao giữa lợi ích của họ và lợi ích của anh ở đâu. Nếu bỏ qua nền móng sẽ dẫn đến một loạt sai lầm.

2. Quá tập trung vào bản thân


Ai cũng sợ không nói ra thì không ai biết mình tốt đẹp. Trong đời thường đã thế, trong marketing, điều đó là thảm họa.

Không thể phủ nhận rằng, chẳng ai hiểu rõ về công ty, về sản phẩm, về thế mạnh của anh bằng chính bản thân anh. Nhưng khách hàng họ không quan tâm về những thứ đó, họ chỉ quan tâm rằng anh có thể làm gì để giải quyết khó khăn của họ. Nếu anh không hướng về khách hàng, tập trung phát triển hồ sơ về họ và cố gắng hiểu họ, anh sẽ không thể bán được hàng dù anh có tốt đẹp thế nào.

Làm nội dung, nói "về chúng tôi" ít thôi, "cho các bạn" nhiều hơn một chút.

3. Rao hàng mọi nơi mọi lúc


Rao hàng bây giờ không vất vả như ngày xưa, có loa chạy pin hoặc máy phát điện ma xát với bánh xe. Nhưng anh thử ngẫm mà xem, cả ngày 24 tiếng đồng hồ rao, có mấy lúc có người vẫy lại mua hàng. Cả đêm còn "ai xôi lạc bánh khúc đây", hàng phố kiểu gì cũng phải có chục nhà chửi thầm trong bụng vì không được ngủ yên.


Anh cài thông điệp chào hàng mọi nơi mọi lúc, kiểu gì cũng có vài người để ý, nhưng số người âm thầm unlike anh có khi còn đông đảo hơn nhiều.

Làm inbound marketing có chiếc phễu thần thánh, cho anh biết được nên trao cho ai cái gì vào thời điểm nào phù hợp. Rao hàng chỉ có ý nghĩa nếu khách hàng đã sang giai đoạn 3 của phễu, đã có lead sẵn sàng có thể chốt đơn hàng.

4. Bỏ qua kêu gọi hành động


Mỗi bài anh đăng trên blog, mỗi clip trên YouTube, hay trang cuối SlideShare, nên có kêu gọi hành động. Không phải kiểu "Liên hệ ngay hôm nay để được tư vấn 09XXXYYY" (trừ phi nội dung nằm vào giai đoạn 3 của phễu như đã nói bên trên).

Kêu gọi hành động là thao tác tiếp theo mà người xem cần thực hiện. Hãy động não: những người xem hết bài này thì có khả năng quan tâm đến điều gì? Anh hãy vẽ lên giấy những con đường và những câu chuyện kết nối với nhau để dẫn khách đi tiếp sâu hơn vào trong phễu thay vì chẳng biết làm gì đành phải lượn ra ngoài.

5. Làm loa phát một chiều



Viết nội dung ra, đăng được nó lên blog, chia sẻ được lên mạng xã hội rồi, cũng chưa hết việc. Tiếp thụ nội dung hiệu quả phải là con đường hai chiều. Muốn thật sự tạo được tiếng vang, anh phải dành thời gian và tâm huyết trả lời, bình luận, tham gia vào các câu hỏi để làm sợi dây kết nối giữa anh và khán giả bền chắc hơn.

6. Sản xuất thứ nội dung thiếu-muối-i-ốt


Tôi đã và đang nghe người ta bàn nhau, và dạy nhau rất nhiều đến các chiêu trò giật "tít", câu "viu", gây sốc. Người ta đang chăm chút rất nhiều đến hình thức thể hiện và kỹ thuật thể hiện mà bỏ qua việc tập trung cho chất liệu thông tin và câu chuyện chứa đựng trong nó. Kết quả là có hàng tỉ nội dung nhàm chán đang trôi nổi đâu đó, thiếu những nội dung thực sự có chiều sâu.

Anh đừng lo giật tít như họ, cũng đừng tiết kiệm muối như tôi, anh hãy ngồi lại, dồn tâm sức và năng lượng cho nội dung của mình. Hãy sáng tạo ra thứ nội dung khiến anh trở nên thông thái hơn, vươn tới cái chân-thiện-mỹ, hoặc những nội dung có giá trị đích thực cho con người.

7. Coi tiếp thị nội dung là thứ yếu


Không ít người từ các cấp quản lý đến chuyên viên gán cho việc làm nội dung là một thứ tiêu tốn thời gian không mang lại hiệu quả tức thì, rằng "nếu có thời gian thì sẽ làm việc đó".

Trong hành trình của một khách xa lạ trở thành khách hàng chính thức, bất cứ giai đoạn nào họ cũng cần những nội dung phù hợp với đặc điểm của họ trong giai đoạn đó. Nếu anh trì hoãn tạo ra những nội dung quan trọng cho những thời điểm này, sẽ có một sự đứt đoạn trải nghiệm.

Làm nội dung là phải nối liền những tài nguyên sẵn có, từ website, blog đến fanpage, kênh video đến các sự kiện và các tặng phẩm, tài liệu miễn phí, thành một hệ sinh thái trải nghiệm liền mạch và toàn diện cho nhóm đối tượng mục tiêu của anh. Để làm được điều đó, anh cần thiết phải có những lịch đăng bài, đại loại giống thế này. Anh có thể tham khảo thêm rất nhiều trên mạng.

8. Đánh giá thấp sự đa dạng hóa hình thức


Bài viết này toàn chữ là chữ. Trên VietInbound chủ yếu cũng chỉ là những bài blog đặc chữ kiểu này, cũng bình thường thôi. Nhưng nếu ngày nào tôi nổi hứng lên biến được bài này thành slide hoặc video, kiểu gì cũng sẽ "có biến".

Nghĩa là, anh hãy làm những nội dung anh đã có không ngừng vận động, rượu cũ cho vào bình mới. Hãy bắt đầu một chủ đề và đặt ra 5 hướng phát triển nó, tạo ra 5 định dạng khác nhau: bài viết, hình ảnh, video, slide, ghi âm, e-book, ... anh sẽ thấy không ngờ vì sức mạnh thần kỳ của sự đa dạng hóa này.

9. Quên chữ "ĐỪNG" trước 8 ý trên

Nếu anh cũng đang giống tôi, đau đầu khổ sở vì mình muốn một đằng, sếp thích một nẻo và cứ đòi giải thích, đòi chứng minh hiệu quả rồi mới cho làm, thì cũng đừng nao núng. Trước hết hãy vững tin rằng anh không phải người duy nhất muốn làm trái ý sếp trên quả đất này. Sau đó thì bình tĩnh và cười tươi rạng rỡ. Sếp là khách hàng và anh là người bán hàng marketing: những triết lý anh muốn sếp áp dụng trong phục vụ khách hàng thì anh hãy thử áp dụng đúng như vậy cho sếp.

À, anh đừng hí hửng khoe cái link bài này cho sếp để chứng minh quan điểm của anh là đúng. Và đừng vội cho rằng tôi p-rồ hay gì gì. Chẳng qua là tôi trong lúc thất bại tràn trề, chán nản muốn chết thì tự dưng bắt được nguồn đồng cảm từ một cái ebook đầy rêu phong trong máy tính nên muốn đưa lên đây xả, vậy thôi.


17 tháng 11, 2015

Cải thiện hiệu quả trang đích [Slideshare]

Slide này là nhặt được từ bên sachmarketing.vn, thấy hữu ích nên bê sang đây biến thành slideshare cho dễ nhìn.




Ai muốn hiểu thêm về chủ đề này có thể đọc bài viết: Trang đích là gì

Have a good time.


20 tháng 9, 2015

10 bước khởi động cho một blog mới


Cần làm gì sau khi cài xong blog Wordpress?
Vào một ngày thu mưa dầm mưa dề, tự dưng tôi bị nhận một lời đề nghị tiếp quản một trang blog mới toe mới cài xong wordpress đã có 1 bài đầu tiên với tiêu đề "Hello world!" kinh điển. Và khác với một số lần trước đây, lần này tôi hoàn toàn trống rỗng, chẳng biết phải bắt đầu làm gì với nó. 


Không bàn đến câu hỏi như "Nên hay không nên viết blog" hay "Tại sao cần viết blog?", ở đây ta coi như đã quyết định lập blog và đưa nó vào trong hoạt động marketing của công ty. Và trong phạm vi bài này, chúng ta hiểu đang đề cập đến blog cho doanh nghiệp. 

"Đầu có xuôi thì đuôi ... may ra mới lọt", việc có một khởi đầu hoàn hảo sẽ giúp trang blog của công ty bạn phát huy tối đa được tính ưu việt của nó mà không tốn nhiều công sức chi phí, mặt khác giảm thiểu những mất mát hoặc đình trệ có thể xảy ra nếu không may phát hiện thiếu sót hay buộc phải phải "đập đi xây lại". 

Và thế là tôi quay lại công việc tìm kiếm và nhào trộn từ nhiều nguồn để có được một công thức mình tạm ưng ưng: 10 bước cần làm cho một blog mới. 

10 bước cần làm cho một blog mới


Bước 1: Xác định mục đích của blog

Trước khi làm bất cứ điều gì đều cần cũng cần có mục đích. 

Lập blog làm gì? một kênh tin tức? một kênh tiếp thị tìm kiếm? một kênh SEO? một kênh để thể hiện kiến thức, sự hiểu biết và tạo sự tin cậy? hay chỉ đơn thuần là một kênh giao tiếp với người tiêu dùng? Cũng có những công ty dùng luôn blog là website chính của mình. Hoặc có nhiều hơn một mục đích trong đó. 

Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển blog theo một trong hai hoặc cả 2 hướng sau: 

  • 1 là blog chính thức hoạt động trên danh nghĩa của công ty và các thành viên của công ty nhằm kết nối với các độc giả hiện tại và tiềm năng của công ty,
  • 2 là blog vệ tinh hoạt động trên danh nghĩa một đơn vị/cá nhân tự do chia sẻ những hiểu biết khách quan về các vấn đề trong lĩnh vực nhằm quy tập một cộng đồng độc giả rộng rãi hơn và ngầm hướng sự chú ý của khách hàng tiềm năng tới các kênh chính thức (website, blog, mạng xã hội hay các địa chỉ ngoại tuyến) của công ty. 

Bước 2: Xác định độc giả mục tiêu

Bạn cần xây dựng mẫu độc giả lý tưởng mà bạn muốn chào đón trên website. Đặt các câu hỏi như: Họ cần tìm đến blog để giải quyết những vấn đề gì, họ sẽ gõ gì vào ô tìm kiếm trên Google để giải quyết vấn đề đó, đó sẽ là từ khóa đầu tiên của bạn.

Với đối tượng độc giả như vậy, bạn muốn mang lại cho họ những nội dung gì? mang đến theo cách nào? Hãy viết ra tất cả những ý tưởng có trong đầu bạn.

Bước 3: Chọn đường dẫn URL

Nếu mục đích blog là hỗ trợ trực tiếp và công khai cho công ty và các nhãn hàng công ty, URL nên là một phần trong website chính thức của công ty. Nghĩa là nếu tên miền website công ty bạn là congtycuatoi.com thì đường dẫn blog của bạn có thể là congtycuatoi.com/blog hoặc blog.congtycuatoi.com.

Nếu mục đích blog hoạt động độc lập với trang web công ty, bạn có thể mua một tên miền liên quan đến chủ đề mà bạn muốn chia sẻ. Hoặc nếu nguồn vốn hạn chế, bạn có thể lựa chọn những tên miền miễn phí. (Một số dịch vụ blog miễn phí cũng đồng thời cung cấp cho bạn tên miền miễn phí theo dạng chudecuaban.tenmiencuaho.com).

Bạn có thể tranh thủ nhồi từ khóa vào tên miền, nhưng đó không quyết định thành công cho thứ hạng tìm kiếm. Lựa chọn một tên miền ngắn gọn, dễ nhớ và phù hợp với nội dung chủ yếu của blog sẽ tạo cho bạn bước tiến xa hơn so với việc chỉ chú trọng tối ưu cho một từ khóa nào đó trên google.

Bước 4: Chọn phần mềm blog

Wordpress hầu như là lựa chọn được đa số người dùng tin tưởng. Một phần mềm blog mã nguồn mở, miễn phí, có thể vận hành trên một hosting có giá phải chăng, có thể cài cắm, mở rộng chức năng cũng như thay đổi giao diện theo ý muốn. 

Bạn gần như không phải trả phí duy trì blog, nhưng việc tìm một chuyên gia giỏi về Wordpress (và đồng thời hiểu về marketing thì càng tuyệt) để phụ trách phần kỹ thuật cho blog, đặc biệt trong công đoạn xây dựng lúc đầu, sẽ rất cần thiết để bạn tiết kiệm vô số thời gian để vươn tới độc giả tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Bước 5: Tùy biến cho blog

Việc cài mã nguồn lõi cho blog chỉ mất 2-3 phút, nhưng công việc tùy biến sau đó mới thực sự gian truân. 

Đầu tiên, tùy biến từ tiêu đề, mô tả, và tất cả những gì bạn có thể tác động vào mục Settings của blog.

Tiếp theo, blog cần phải có một phông nền phù hợp với thương hiệu cũng như thông điệp mà bạn muốn thể hiện. Ít nhất phải có logo công ty (hoặc một biểu tượng riêng mà bạn muốn), màu sắc, cách bố cục phục vụ tối đa mục tiêu tiếp thị của bạn, một phông nền thân thiện với các loại thiết bị từ máy tính đến điện thoại. Nếu bạn chọn các thiết kế miễn phí, có thể sẽ có nhiều lỗi khi tùy biến, hoặc có đường link dẫn đến website của nhà phát triển mà bạn không tài nào xóa được. Nếu bạn xác định công việc kinh doanh lâu dài và nghiêm túc, đừng ngần ngại bỏ ra vài chục đô la cho một template sạch sẽ, dễ tùy biến và dịch vụ bảo hành bảo trì chuyên nghiệp, uy tín. 

Tiếp theo nữa, blog cần cài thêm các plug-in để thuận tiện cho việc quản trị, bổ sung chức năng cho người dùng cũng như phục vụ tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm. Tùy vào nhu cầu cụ thể mà bạn có thể lựa chọn trong những nhóm plug-in phổ biến dưới đây: 

  • Plug-in tối ưu hóa:  WordPress SEO – “Yoast” (free); Google XML Sitemaps (free), Google Analytics Dashboard (free); Redirection; Related posts
  • Plug-in bảo mật: Wordfence (free+); Anti-spam (free); WP Optimize (free)
  • Plug-in kết nối xã hội: Social Share, Social Button; FeedBurner Plugin; Disqus; Facebook Comment
  • Plug-in tiếp thị: Subscribe Email; Pop-up Box; v.v.

Bước 6: Kế hoạch viết bài

Dựa vào mục đích và đối tượng đã đặt ra ban đầu, bạn hay người phụ trách marketing sẽ phải có một định hướng rõ ràng trong việc tạo nội dung và điều này thể hiện rõ ràng nhất ở việc tạo các danh mục (categories) để chứa các bài bạn sẽ đăng trên blog. 

Trước khi tạo ra các danh mục này, bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa để tìm ra tên gọi tối ưu cho các danh mục, để các máy tìm kiếm dễ dàng hiểu và xếp hạng cho chúng. Các công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến gồm: Google’s Keyword Planner và Ubersuggest (miễn phí); WordStream.com, WordTracker và KeywordDiscovery.com (có phí).

Lập một lịch biên tập nội dung (tựa tựa như cái lịch ở đây) để giữ cho bạn luôn đi đúng với mục đích thực sự của blog và phù hợp với độc giả mục tiêu. Liên tục tương tác với độc giả cũng như theo dõi hoạt động trên blog để điều chỉnh kế hoạch hợp lý. 

Bạn có thể khéo léo tạo nội dung từ trước lưu trong nháp, qua thời gian, bổ sung dần các ý tưởng và chi tiết hợp lý ngay khi chúng vừa lướt qua với bạn. Như vậy bạn luôn có nguồn bài viết sẵn sàng chủ động để đăng khi cần thiết. Thực tế là trong các phần mềm blog phổ biến, bạn đều có thể đặt trước ngày giờ đăng bài.

Bước 7: Chọn một đội phụ trách blog

Ở các công ty quy mô nhỏ, đội phụ trách blog thường chỉ do 1 người phụ trách tất cả. Điều này dễ hiểu. Nhưng trong quá trình làm việc, hãy cố gắng tổng hợp những gì nên làm và không nên làm thành tài liệu hướng dẫn để trong trường hợp cần thiết có thể chia sẻ cho các cá nhân khác để nhanh chóng khai thác hiệu quả của làm việc nhóm.

(Phần này nói ngoài lề: Theo như những gì tôi từng cảm nhận, thật là thảm họa nếu dồn tất cả công việc blog cho một cá nhân và mặc nhiên người đó phải chịu tất cả những công việc: nghĩ ý tưởng, tạo nội dung, thậm chí là công khai đứng tên dưới mọi bài viết trên blog. 

Theo tôi, với các nội dung khác nhau liên quan đến phòng ban khác nhau nên viết bài dưới tên khác nhau. Ví dụ: bài viết về hoạt động nhân sự sẽ do đại diện của phòng nhân sự đăng, bài viết về sản phẩm mới sẽ do người thuộc bộ phận sản phẩm thực hiện, và những tin bài có tầm quan trọng có thể do chính quản lý cấp cao của công ty viết. Người phụ trách blog chỉ phải hiệu đính, biên tập, tối ưu hóa và hỗ trợ đăng bài. Việc này vừa giúp blog công ty có sức sống, sự đa dạng đối với người ngoài mà còn duy trì một nguồn độc giả quan trọng nhất sẵn sàng chia sẻ các bài viết cho mạng lưới của họ, chính là những nhân viên ngay tại công ty. 

Việc giảm bớt áp lực công việc cho người phụ trách blog sẽ giữ cho nguồn cảm hứng của bạn ấy cũng như của cả blog không bao giờ cạn kiệt, mà còn tận dụng được sức mạnh tập thể. Bạn sợ rằng nếu các bạn ở phòng khác phải ngồi viết blog thì ảnh hưởng đến công việc của phòng ban đó. Theo ý kiến lạc quan của tôi thì câu trả lời là không ảnh hưởng nếu người quản lý biết cách động viên. :D  (Lại quay vào trong lề))

Tạo thêm các account với các role phù hợp cho những người sẽ tham gia đóng góp bài cho blog, để chính họ, hoặc giúp họ chọn những ảnh long lanh xinh đẹp hút hồn nhất, viết 1-2 câu giới thiệu vắn tắt về họ và vai trò của họ trong công ty. Nối đến các hồ sơ mạng xã hội mà họ thường tham gia.

Bước 8: Sẵn sàng để chia sẻ

Hiển nhiên bạn không muốn blog của mình trở thành cái ao tù. Hãy tạo thuận lợi cho bản thân bạn và các độc giả có thể chia sẻ blog và các bài viết trên đó cho mạng lưới của mình bằng các tích hợp như:
- Chia sẻ/Đánh dấu mạng xã hội: nút chia sẻ đặt ngay trên hoặc ngay dưới bài viết, hoặc trôi bên trái màn hình, nơi độc giả dễ tìm thấy nhất. 
- Cho phép bình luận: độc giả có thể muốn trao đổi thêm về nội dung bài viết, và muốn nghe cộng đồng chia sẻ thêm về vấn đề. Càng gợi mở, càng thu hút nhiều người bình luận, mức độ lan tỏa của bài viết càng mở rộng. 
- Nút RSS: cá nhân tôi rất thích blog có RSS. Một cách đơn giản để mọi người biết là có bài mới mà không cần phải ngày ngày truy cập website. 
- Cho phép theo dõi qua email: khi mọi người kiểm tra hộp mail cá nhân có thể đọc được bài mới của bạn dễ dàng.
- Bình luận trên blog khác: ý tôi không nói các bạn đi rải link. Hãy tìm những blog có liên quan đến lĩnh vực mà bạn có hiểu biết, đưa ra những lời bình luận sâu sắc, tạo quan hệ tốt đẹp để lôi kéo chủ blog đó và các độc giả trên đó về blog của bạn.

Bước 9: Chuẩn bị tâm lý Đo - Thử - Thử - Đo - hàng ngày

Bạn cần phải đặt những mục tiêu cụ thể cho blog như: ngày có bao nhiêu khách truy cập vào blog, vào những bài viết cụ thể trên blog, bao nhiêu lượt click từ blog sang website, rồi bao nhiêu người mua sản phẩm A từ bài viết X, hay chí ít là có bao nhiêu người chia sẻ bài Y trên mạng xã hội Z? thế là thấp hay cao? tại sao lại thế? và làm sao có thể cải thiện? blah blah.

Cá nhân tôi là kiểu người nhìn thấy số là hoa mắt, nhưng tôi hiểu được sự quan trọng của các con số thống kê - những con số được đo lường chính xác và hiểu một cách chính xác. 

Ngay từ đầu, hãy tích hợp các công cụ đo lường vào blog, và xác định bộ thước đo để phục vụ các mục tiêu marketing ngắn hạn và dài hạn. Công cụ phân tích web phổ biến nhất Google Analytics, hãy cài ngay và luôn sau khi tạo blog, và dành thời gian cầu hình hợp lý để bạn có những con số phản ánh chính xác và dễ hiểu về tình hình blog ngay-từ-đầu. '

Ngoài ra có thể dùng các công cụ phân tích hoạt động social như Website Grader, Social Mentions.

Nếu không phải là bạn, thì hãy tìm một người không hoa mắt vì các con số thống kê/hoặc đào tạo một người như thế để giúp bạn mỗi ngày.

Bước 10: Bắt tay vào viết bài đầu tiên

Hãy bắt đầu từ việc chia sẻ kiến thức và mở rộng tầm nhìn cho độc giả (theo lối tây thì gọi là educate khách hàng). Đừng vội bán hàng. Hãy làm sao giúp độc giả giải quyết được những vấn đề của họ, dành một vị trí tốt đẹp trong tâm trí của họ. 
Đừng ngại dẫn link đến các trang khác trong website (liên kết nội) hoặc các nguồn tin khác, website khác (liên kết ngoại) nếu thấy cần thiết, để cung cấp giá trị tham khảo tốt nhất cho người đọc.

Và kiên trì ...

Điều quan trọng cho thành công của một blog là đăng bài đều đặn. Nếu ý tưởng có hạn, hãy cố gắng duy trì 1 bài viết/tuần. Bên cạnh đó, bạn có thể thường xuyên quay lại để cải biên nội dung, bổ sung thông tin nhằm tăng giá trị cho các bài viết. 

Từ đây sẽ chuyển sang giai đoạn vượt chướng ngại vật, sau nữa là tăng tốc, ... , nếu nói sâu thì thành lạc đề mất. Bạn đọc có thể đọc tiếp một số bài viết liên quan đến blog như:



Ôn bài xong rồi, giờ quay lại với cái blog mới toe cùng bài viết "Hello world!" kinh điển thôi. >_<

- Một ngày hạ tuần tháng 9, bỗng dưng có hứng phủi bụi rêu phong cho bạn Bao -